Hình tượng trong tác phẩm nghệ thuật đương đại / Iconography in contemporary artworks

Workshop ‘Kích / Nghĩ’:

‘HÌNH TƯỢNG THỊ GIÁC TRONG NGHỆ THUẬT, NHÂN HỌC VÀ CÁC KHOA HỌC KHÁC’

thực hiện bởi nhóm LAO ĐỘNG NGHỆ THUẬT

đồng phối hợp giữa Sàn Art & Khoa Nhân học, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn

Buổi 2: 16/12/2013  

HÌNH TƯỢNG TRONG TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI

trình bày bởi Trương Công Tùng và Phan Thảo Nguyên – nghệ sĩ của nhóm

Lấy trực tiếp tác phẩm đang sáng tác trong dự án nghệ thuật ‘Niềm tin vô điều kiện’, khảo sát về niềm tin của con người cùng lúc vào y học hiện đại lẫn đấng siêu nhiên siêu hình trong quá trình chữa bệnh, phần trình bày của hai nghệ sĩ Trương Công Tùng và Phan Thảo Nguyên sẽ cho thấy các hình tượng trong xã hội, tín ngưỡng, khoa học, ngôn ngữ được biến thể ra sao trong hình thái tác phẩm nghệ thuật.

Công Tùng đã theo dõi hiện tượng ‘khu vườn kỳ lạ’ ở Long An trong nhiều năm. Những liên kết với khu vườn đặt ra cho anh rất nhiều câu hỏi về thân phận con người, những người mà bệnh tật hiểm nghèo khiến khoa học và y học hiện đại phải đầu hàng và nhường chỗ cho niềm tin. Tùng sẽ giới thiệu quá trình sáng tác với những tác phẩm được làm từ những nguyên liệu tự nhiên như đất, mối, gỗ mục…được thu nhặt từ quê hương anh ở Đắc Lắc và những ảnh tư liệu từ ‘khu vườn kỳ lạ’ ở Long An. Tùng hứng thú với sự những vấn đề văn hoá như tôn giáo và niềm tin, chẳng hạn việc đạo Tin Lành và Phật giáo hoà trộn với những điển tích cổ xưa về tính ban sơ bản địa cùng những tín ngưỡng thần linh và thuyết vạn vật hữu linh. Cảm nhận cá nhân  của Tùng về thân phận đặc biệt của bản thân và những vấn đề xã hội nảy sinh trong quá trình nghiên cứu sẽ được Tùng chia sẻ qua workshop.

Tác phẩm của Thảo Nguyên mặt khác lại liên quan đến kiến trúc, y học, ngôn ngữ học và ký hiệu học. Dưới góc nhìn của một nghệ sĩ thị giác, tất cả những lĩnh vực tưởng chừng rất khác nhau đó được Thảo Nguyên tạo lập thành một mạng lưới những liên kết có lúc mơ hồ, có khi bền chặt. Qua việc tạo ra những tác phẩm nghệ thuật không dành cho bảo tàng mà dành cho những không gian công cộng với mục đích đặc trưng như bệnh viện mắt, Thảo Nguyên muốn thể nghiệm quá trình nhận thức và những chiêm nghiệm về số phận của nghệ thuật khi được trưng bày ở một không gian vốn không dành riêng cho nó. Thảo Nguyên sẽ trình bày thêm những nghiên cứu cá nhân về sự hình thành của chữ quốc ngữ, những giả thiết và hư cấu xung quanh nó, và những nỗi hoài nghi về một ngôn ngữ đã trải qua nhiều biến động và hi sinh để cấu thành tiếng Việt ngày nay.

Thông qua workshop, hai nghệ sĩ muốn chia sẻ quá trình nghiên cứu và thực hiện tác phẩm nghệ thuật. Khoa học xã hội đã trở thành một tư liệu không thể thiếu trong việc nghiên cứu và thực hành nghệ thuật của các nghệ sĩ thị giác. Chúng tôi hi vọng nghệ thuật cũng sẽ trở thành nguồn cảm hứng và nguồn tư liệu thú vị của khoa học xã hội.

Bằng phương pháp phân tích hình tượng học được cung cấp từ buổi 1, người tham dự có thể vận dụng, cùng với kiến thức chuyên môn sẵn có từ nhân học – xã hội học, để tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến cho các tác phẩm đang hình thành của hai nghệ sĩ thị giác.