Sự Ốm Yếu Ẩn Dụ trong Kiến trúc Hiện đại, Beatriz Colomina (p1)

Từ lâu đời khi chúng ta còn nhớ được, hay lịch sử còn ghi nhớ, kiến trúc theo sát ngành y học. Nếu các học thuyết cổ điển của thành bang Hy Lạp (polis) dựa trên học thuyết bốn thể khí trạng (*), thì những tư tưởng hiện đại về bệnh tật cũng gây ảnh hưởng đến nền tảng kiến trúc trong thế kỉ này.

Thử nghĩ về tác động của căn bệnh lao phổi đối với kiến trúc đầu thế kỉ hai mươi. Người ta có thể viết hẳn cả một cuốn sách về đề tài này, bắt đầu với mối cộng tác thiết thực giữa kiến trúc sư và bác sĩ trong viện điều trị lao phổi: chẳng hạn toà nhà Paimio do Alvar Aalto thiết kế, với sân thượng nằm trên bảy tầng lầu trông ra cánh rừng là nơi bệnh nhân được đưa tới để hưởng khí trời thoáng đãng và ánh sáng mặt trời. Cuối cùng người ta phải đóng cửa sân thượng này lại, vì các nhân viên không thể kiểm soát được tình trạng những bệnh nhân tuyệt vọng cứ nhảy lầu tự tử mỗi khi y tá vừa quay lưng đi. Kiến trúc hiện đại là một thể tự sát có trợ giúp? Ngay cả ngày nay, các du khách cũng không được phép leo lên sân thượng vì mối lo ngại họ sẽ nhảy xuống. Nghiên cứu về sau chứng minh rằng không có căn cứ khoa học nào cho liệu pháp không khí và ánh sáng mặt trời. Đôi khi, nó còn dồn vào thế hiểm nghèo (ví dụ đúng nghĩa đen như ở nhà thương Paimio).

Lịch sử kiến trúc hiện đại ghi dấu một số lượng lớn các thiết kế nhà thương: Nhà thương lao phổi Dispensario Antituberculoso của José Luis Sert ở Barcelona (1934-38), Zonnestraal của Jan Duiker và Bernard Byvoet ở Hilversum (1925-28), Purkersdorf của Josef Hoffmann ở ngoại ô Viên (1903) và nhiều nơi khác nữa. Một điều quan trọng hơn là tư tưởng mang tính y khoa được đưa vào cả kiến trúc nội gia; các mối bận tâm về hệ thống quạt khí, ánh sáng, vệ sinh, tường trắng. Ulrich viết về điều này trong cuốn ‘Con người không phẩm chất’ (The Man without Qualities) của Robert Musil: ‘Con người hiện đại sinh ra trong bệnh viện và chết đi trong bệnh viện – thế nên khi sống người đó cũng nên sống trong một nơi như bệnh viện.’ Câu châm ngôn này ‘được công thức hoá bởi kiến trúc sư hàng đầu, và một nhân vật khác, người cải tổ thiết kế nội thất, yêu cầu có những mảng vách ngăn di động trong căn hộ.’

Như trên cho thấy, có vẻ kiến trúc hiện đại và những cổ vũ viên cho họ vận động cho một cuộc sống giống trong nhà thương. Ví dụ, quyển sách nhỏ ‘Ngụ cư tự do’ (Befreites Wohnen) của Sigfried Giedion có tiểu đề là Ánh sáng, Không khí, Mở (Licht, Luft, Öffnung). Hơn phân nửa tranh ảnh minh hoạ trong quyển này là về các công trình bệnh viện hay thể thao: nhà thương do Richard Döcker vẽ ở Waiblingen (1926-28), Zonnestraal của Byvoet và Duiker, nhà nghỉ trên núi, resort bãi biển, sân vận động thể thao, hình ảnh thể dục, tắm nắng, quần vợt… Và khi chúng ta đi vào bên trong những toà nhà này, chúng biến thành nhà thương, với người dưỡng bệnh nằm nghỉ trên các ghế dựa nghiêng đặt trên sân thượng (trong tấm ảnh nhà của Max Häfeli ở Zurich chụp năm 1928), phòng thể dục giống trong phòng ngủ chứa thiết bị tập luyện do Marcel Breuer thiết kế cho Picastor ở Berlin (1927-28), khu tập thể dục mái thượng trên Toà Guggenbühl ở Paris do André Lurçat thực hiện, hay sân thượng với đồ tập thể thao trong nhà Werkbundsiedlung ở Stuttgart của Richard Döcker (1927).

516986.jpg
tileshop-fcgi.jpg

Bệnh nhân nằm nghỉ trên ghế dựa mây (1892) (Dannenfels, Đức. BASF Aktiengesellschaft, BASF AG.).

Không chỉ các kiến trúc sư hiện đại nhấn mạnh sức khoẻ và thể thao (là cách chống lại bệnh tật( mà kiến trúc của họ làm ra cũng được hiểu theo cách đó.

Những toà nhà được đánh đồng một cách vô thức với một cơ thể khoẻ mạnh. Chẳng hạn, nhà Tugendhat của Mies van der Rohe ở Brno dựng năm 1929-30 bị bỏ hoang trong suốt thời gian Đức quốc xã chiếm đóng Czechslovakia, sau được các quan chức Cộng sản chuyển thành khu thể dục thể thao cho trẻ nhỏ – những người này có lẽ không thể ngờ rằng căn nhà đó trước đây từng được chụp ảnh với chính mục đích sử dụng này. Các tấm ảnh chụp toà Tugendhat với đám trẻ chơi đùa trên sân thượng đầy nắng vào đầu thập niên 1930 hồi lại một cách kì lạ trên các hình ảnh trẻ em tập luyện trong phòng sinh hoạt / thể thao vào thập niên 60. Không có gì đắn đo, kiến trúc hiện đại lập tức được hiểu như một thiết bị y khoa, một cơ chế bảo vệ và nâng cao cơ thể con người.

Một ví dụ khác: bản quy hoạch thành phố lý tưởng của Tony Garnier mang tên ‘Thành phố Công nghiệp’ (Une cité industrielle) (1904) đặt  toà nhà chữa bệnh bằng ánh sáng (heliotherapy) trong tập khu bệnh viện ở vị trí cao nhất trên quả đồi nhìn xuống thành phố, với trung tâm thể thao nằm ngay giữa khu phố thị, tựa như nhà thờ lớn thời trung cổ. Sức khoẻ trở thành thứ tín ngưỡng mới. Hay nghĩ về nỗi ám ảnh của Le Corbusier luôn tìm cách tách rời cả căn nhà (với sự trợ giúp của hệ thống cột nhà tầng trệt – pilotis) khỏi thứ ông gọi là ‘nền ấm ướt’, nơi bệnh tật sinh sôi, và việc ông tận dụng phần mái nhà như mảnh vườn để tắm nắng và tập thể thao. (Tất nhiên, lúc ấy không ai mảy may nghĩ tới bệnh ung thư da, nhưng đó lại là một câu chuyện khác.)

Villa Savoye ở Poissy do Le Corbusier thiết kế, 1928, FLC L2 (17) 4. (© FLC/ADAGP, Paris and DACS, London 2004.)

Quả thực, kiến trúc đầu thế kỉ hai mươi không thể phân tích nằm ngoài căn bệnh lao phổi. Triệu chứng, nếu không thì nguồn gốc căn cứ, của kiến trúc hiện đại dường như được trích dẫn trực tiếp từ văn bản y khoa về chứng bệnh. Trước khi nhà vi sinh học người Đức Robert Koch phát hiện ra khuẩn que u lao vào năm 1882, cuốn sách y khoa quy chuẩn chỉ ra những nguyên nhân gây bệnh: “khí hậu không thuận lợi, lối sống bó gối trong nhà ít di chuyển, hệ thống thông gió yếu kém và thiếu hụt ánh sáng’. (2) Phải mất một thời gian dài để những nhận định này mất giá trị tin dùng. Như Susan Sontag viết, ‘Bệnh nhân lao phổi được nghĩ rằng họ cần được trợ giúp, chữa trị bằng cách thay đổi môi trường. Có nhận định rằng bệnh lao phổi là một chứng bệnh đầm đìa, chứng bệnh của những thành phố ẩm ướt và nhớp nháp. Bên trong cơ thể trở nên ẩm thấp (‘nước đóng trong phổi’ là một đặc ngữ ưa dùng) và phải được sấy khô.’ (3)

Kiến trúc sư hiện đại đề cao sức khoẻ bằng việc cung cấp chính sự thay đổi môi trường. Kiến trúc thế kỉ mười chín bị tha hoá vì thiếu mạnh khoẻ, và mặt trời, ánh sáng, điều hoà khí gió, thể dục thể thao, sân thượng, vệ sinh và màu trắng toát được đưa vào làm công cụ bảo vệ, hay nói cách khác là chữa trị bệnh lao phổi.  Chiến dịch quần chúng của kiến trúc hiện đại được diễn tiến xung quanh niềm tin bấy giờ về chứng lao phổi và nỗi sợ hãi bệnh tật.

Khi tiếp cận lao phổi, các kiến trúc sự không chỉ điều chỉnh nó hoà chung với các thể trạng ốm yếu khác. Như Susan Sontag tranh luận, một số bệnh tật bị ‘đè nén hơn một cách cường điệu hoá và đồng dạng nhau trong cái bẫy của phép ẩn dụ’ như bệnh lao phổi và ung thư. (4) Trong cuốn sách Động cơ vận động con người (The Human Motor), Anson Rabinbach tiến xa hơn nữa trong việc định vị chứng lao phổi là một phần của quá trình tái thiết lại hoàn toàn tư tưởng về cơ thể con người. (5) Ông lý luận rằng nỗi ám ảnh về sự mệt mỏi trở nên thịnh hành từ khoảng giữa năm 1895 và Thế chiến thứ nhất, chính là dấu hiệu cho những lo sợ tăng cao về kỉ công nghiệp. Bệnh tật như chứng lao phổi bị gán cho sự mệt mỏi, và các chương trình thể dục rèn luyện được đưa ra để chống lại nó. Đã có một cuộc kêu gọi rộng rãi cho thể dục thể thao có tổ chức. Thể dục thể chất, môn chỉ dành trong quân đội vào thế kỉ mười chín, bây giờ được tán thành vào trường học. Hơn thế nữa, bản thân quân đội cũng được tái tổ chức, dựa trên nền tảng của ‘khoa học lao động’ mới. Y học và sinh học trở thành nền tảng của lý thuyết chính trị. Suốt giai đoạn ‘sinh học hoá chính trị’ này, các ngành khoa học nghiên cứu cơ thể được thành lập dựa trên nền tảng ‘vệ sinh xã hội’. Tới năm 1910, người ta tách riêng sinh lý học và tâm lý học nhưng lại thành công khi tái kết hợp chúng thành ‘công nghệ tâm lý’ (psychotechnics) trong cuộc Thế chiến thứ nhất. Với sự tiếp nối quân sự đó, sự hợp nhất giữa nghiên cứu khoa học châu Âu và chủ nghĩa quản lý theo khoa học (Taylorism) ở Mỹ trở thành công cụ quy chuẩn cho quản lý công nghiệp mới. Giấc mơ về một cơ thể không mệt mỏi đạt tới đỉnh cao tai hoạ ở đế chế độc tài trong thập niên 20 và 30. Sự sợ hãi chứng lao phổi là chìa khoá liên kết vững chắc giữa cơ thể, quân sự, công nghiệp và chính trị.

Chúng ta có thể quan sát quỹ đạo trên trong kiến trúc. Các kiến trúc sư lặp đi lặp lại hình ảnh bệnh tật để diễn tả mối quan ngại về trật tự xã hội. Vai trò truyền thống của kiến trúc gánh vác trật tự nay quàng thêm những trọng trách khác với các bệnh tật khác nhau. Sự tái tạo lại cơ thể y học từ nhiều ngành khoa học mới dẫn đến việc tái tạo ngành kiến trúc.

Những trang đầu tiên trong Vers une architecture của Le Corbusier (1923) – đăng trên tờ L’Esprit Nouveau (số 11/12), bao gồm ‘chẩn đoán’ của ông về thể trạng của kiến trúc, quy tội kiểu nhà truyền thống cho việc sản sinh ra hiệu ứng suy nhược của lao phổi (‘sự tàn phá’ (**)). Ông tiếp tục cổ vũ cho công trình sư khoẻ mạnh lên trên kiểu kiến trúc sư ốm yếu:
‘Đó là số mệnh của chúng ta đã để cho chính mình trở thành sinh vật ngồi một chỗ; nhà cửa chúng ta giày vò trong sự uể oải của chính ta, như là một sự tàn phá. Chúng ta chẳng sớm thì muộn sẽ cần rất nhiều nhà thương… Các kỹ sư của ta khoẻ mạnh và cường tráng, năng động và hữu dụng, cân bằng và hạnh phúc trong lao động. Các kiến trúc sư của ta bị vỡ mộng và thất nghiệp, khoác lác hoặc hay càu nhàu. Đó là vì sẽ chẳng còn gì cho họ làm nữa. Chúng ta chẳng còn tiền để dựng lên các đồ kỉ niệm lịch sử. Cùng lúc đó, chúng ta phải rửa sạch! … Chân đoán sạch sẽ. Kỹ sư của ta sản xuất kiến trúc… Đâu đó người ta vẫn tin và kiến trúc sư, như người ta tin mờ mắt vào tất cả các bác sĩ.’

Trong suốt tập sách, sức khoẻ là một lời kêu gọi chiến đấu. Chương cuối nêu sự tương phản giữa nơi làm việc hiện đại ‘khoẻ mạnh’ với chỗ cư ngụ cá nhân ‘yếu bệnh': ‘Bộ máy chúng ta đang sống là một toa khách cũ kĩ chứa đầy lao phổi.’ GIống nhiều kiến trúc sư khác, Le Corbusier mở rộng lý luận y tế torng phạm vi căn nhà ra cả thành phố, Trong Urbanisme, ông bác bỏ thành phố mệt mỏi và tìm kiếm bài ‘thuốc chữa’, kết luận rằng ‘ca mổ’ là cần thiết để vứt bỏ ‘khối ung thư’ của khối đường phố suy tàn và ‘đám nhà cũ kỹ mục nát đầy lao phổi’. Ông liên hệ bệnh tật đường phố với bệnh tật căn nhà. Nhưng trong khi Le Corbusier liên đới căn nhà với chứng lao phổi lúc đó, một cách ẩn dụ, thành phố đã bị ung thư.

Trong bộ phim L’architecture d’aujourd’hui (1929) cộng tác với Pierre Chenal, Le Corbusier tranh luận rằng bệnh tật phát sine trong thành phố vì con người ở thế kỉ hai mươi vẫn sống như thời Trung Cổ. Ông rõ ràng đặt bệnh tật ngang hàng với sự hỗn loạn đô thị. (Frank Lloyd Wright và một số người khác sau này dùng ẩm dụ của bệnh ung thư phá triển vượt tầm kiểm soát để nói tới thành phố đương đại.) Giải pháp của Le Corbusier: luyện tập trên vườn sân thượng. Cuốn phim dẫn dắt qua căn villa của ông xây vào thập niên 1920 nhấn mạnh một lần nữa giá trị của tắm nắng và tập luyện. Cực điểm nằm ở cú máy cận, quay chéo từ dưới lên cảnh một người đàn ông và hai người phụ nữ hăng hái tập tành trên khu vườn mái thượng của Villa Nhà Thờ. Căn nhà, đầu tiên và trước nhất, là bộ máy dành cho sức khoẻ, một dạng thức của liệu pháp chữa bệnh bên trong chính nó.

https://vimeo.com/67793221

phim L’architecture d’aujourd’hui (1929)

(*) – chú thích người dịch: bốn thể khí trang trong y học cổ Hy Lạp bắt nguồn từ Hippocrates, được xem là cha đẻ của ngành y phương Tây, sống khoảng năm 460-377 trước Công nguyên. Theo ông, bệnh tật gây ra bởi chứng isonomia, chứng bất quân bình của bốn thể khí trạng – đồng thời tương ứng bốn mùa trong năm và bốn yếu tố cấu thành vũ trụ:
– mặt vàng: tương ứng mùa xuân và lửa
– mặt đen: mùa thu và đất
– tính uể oải: mùa đông và nước
– máu: mùa xuân và khí
tuỳ vào sự bất quân bình giữa bốn thể này, cơ thể và tinh thần sẽ bị ảnh hưởng như buồn thảm, chán nản, cáu gắt hay lạc quan.

(**): trong y khoa, consumption cũng được dùng để nói về bệnh lao phổi, cũng có nghĩa là tàn phá. đây có thể là cách chơi chữ của Le Corbusier

(2): August Flint & William H.Welch, The Principles and Practice of Medicine (5th edition, 1881) trích từ René and Jean Dubos, The White Plague (1952), 69; và Susan Sontag, Illness as Metaphore (New York, Vintage Books, 1979), 53

(3): Sontag, Illness as Metaphore, 14-15

(4): sđd, 5

(5): Anson Rabinbach, The Human Motor: energy, Fatigue, and the Origins of Modernity (New York: Basic Books, 1990)

AQAT, tháng 11 năm 2013